Sự đổ bộ của dàn nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn trong những năm gần đây cho thấy công tác cấp phép đã có sự thay đổi đáng kể.
Tháng 9.2012, sau hơn 30 năm rời xa, danh ca Khánh Ly lần đầu tiên được trở về biểu diễn trên sân khấu Việt Nam. Bà đã không nén nổi những giọt nước mắt trong ngày trở về.
ADVERTISING
Liên tục sau đó và cho đến nay, giọng ca Khánh Ly gần như phủ sóng ở các liveshow đình đám của giới âm nhạc Việt Nam. Cùng với Khánh Ly là những những giọng ca hải ngoại khác như Tuấn Ngọc, Như Quỳnh, Quang Lê, Bằng Kiều, Thu Phương…. Thậm chí, họ còn xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam vào đúng khung giờ vàng, trong những chương trình hot như Thần tượng Bolero hay Giọng hát Việt….
Giản lược thủ tục cấp phép cho các nghệ sĩ hải ngoại là chủ trương đáng chú ý mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cùng với Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện.
Theo đó, việc cấp giấy phép cho nhiều pháp nhân sẽ được chuyển thành cấp giấy phép trực tiếp cho nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đề nghị trở về quê hương biểu diễn.
Trao đổi với Lao Động, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho hay, điều này sẽ làm giản lược thủ tục hành chính trong công tác quản lý, nhất là dễ dàng kiểm soát hoạt động biểu diễn, tạm dừng hay đình chỉ cá nhân nghệ sĩ vi phạm quy định.
Ngoài ca hát, việc cấp phép biểu diễn còn áp dụng với các nghệ sĩ ở các lĩnh vực về thời trang….
Điều này đang nhận được sự hoan nghênh từ phía nghệ sĩ và công chúng. Tuy nhiên giản lược đến đâu là vừa và phù hợp với tình hình đời sống xã hội Việt Nam? Đây là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật đặt ra.
Theo bà Phạm Kim Dung, đại diện công ty Giải trí Sen vàng, cấp giấy phép trực tiếp cho nghệ sĩ không cần thông qua doanh nghiệp là cách thức giản lược thủ tục có tính rườm rà. Tuy nhiên, giải pháp này lại đối diện với nguy cơ nghệ sĩ sẽ lạm dụng để tham gia quá nhiều các chương trình. Việc tham gia tràn lan rất dễ dẫn đến nguy cơ bị đình chỉ biểu diễn hay cấm sóng truyền hình. Nếu nghệ sĩ rơi vào tình huống này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, quy định cấp phép mới không chỉ làm giản lược thủ tục hành chính trong công tác quản lý mà còn dễ dàng kiểm soát hoạt động biểu diễn, tạm dừng hay đình chỉ cá nhân nghệ sĩ vi phạm quy định.
Tuy nhiên, Cục NTBD mới chỉ đặt ra vấn đề kiểm soát với nghệ sĩ mà quên mất những nguy cơ và hệ lụy mà các đơn vị sản xuất phải đối diện.
Bởi vậy, cấp phép thủ tục biểu diễn cho nghệ sĩ hải ngoại đến đâu, như thế nào cho phù hợp vẫn là câu hỏi lớn cần nhiều giải đáp từ các cơ quan chức năng.
Trước đây, theo thủ tục quy định, nghệ sĩ Việt kiều xin phép biểu diễn thông qua đơn vị tổ chức biểu diễn trong nước. Đơn vị đó làm thủ tục xin phép và chịu trách nhiệm về nghệ sĩ trong thời gian biểu diễn tại Việt Nam. Giấy phép biểu diễn trên toàn lãnh thổ Việt Nam của Cục NTBD cấp cho một nghệ sĩ trong vòng 3-6 tháng. Khi hết thời hạn, đơn vị tổ chức sẽ phải làm hồ sơ xin gia hạn cho nghệ sĩ.
Giấy phép này chỉ cho phép nghệ sĩ Việt kiều trình diễn trong chương trình của đơn vị đứng tên xin phép. Nghệ sĩ muốn tham gia chương trình của đơn vị khác thì đơn vị thứ hai này phải làm thủ tục xin phép lại từ đầu dù thời hiệu giấy phép của Cục NTBD cấp vẫn còn.
Quy trình cũ được cho là gây khó cho các đơn vị tổ chức và nghệ sĩ trong vấn đề tổ chức, tham gia biểu diễn các chương trình tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét